Sơn La

Ẩm thực dân tộc Thái – sức hút của du lịch Sơn La

Đồng bào Thái có nền văn hóa lâu đời mang đậm bản sắc dân tộc; trong đó, ẩm thực là một điểm nhấn trong nền văn hóa ấy. Xuất phát từ đời sống thường ngày, ẩm thực dân tộc Thái mang hương vị của núi rừng, mang đậm chất văn hóa vùng cao, rất đặc trưng và tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng thực khách khi được thưởng thức.

Phụ nữ dân tộc Thái tinh tế và khéo léo trong chế biến ẩm thực

Từ những nguyên liệu đơn giản, sẵn có từ vườn nhà, ao cá, đồng ruộng và cả những sản vật trên rừng, qua đôi bàn tay khéo léo và sự kỳ công gia giảm đủ loại gia vị mà thành những món ăn hấp dẫn từ hình thức đến hương vị. Bà Lò Thị Thương, phường Chiềng An, Thành phố, chia sẻ: Các món ăn truyền thống của dân tộc Thái được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lưu giữ cách chế biến, nguyên tắc chọn nguyên liệu, gia vị… Tuy đơn giản nhưng cách kết hợp nguyên liệu và gia vị trong món ăn dựa trên quy tắc âm dương ngũ hành, có sự hài hòa giữa nóng và lạnh, đủ vị chua, cay, đắng, mặn, ngọt… hài hòa về dinh dưỡng, tốt cho cơ thể và kích thích vị giác để món ăn thêm hấp dẫn.

Mâm cỗ mang hương vị núi rừng

Đến Sơn La, nhiều du khách ấn tượng với những món ăn đặc trưng của ẩm thực dân tộc Thái. Có những món ăn trước đây chỉ đơn giản là sản phẩm được hình thành từ nhu cầu bảo quản đồ ăn quanh năm của đồng bào như thịt hun khói, thịt gác bếp hay cá giảng…, nay đã trở thành đặc sản được nhiều người biết đến. Không ít cơ sở sản xuất biết nắm bắt nhu cầu thị trường đã chế biến các món thịt trâu, thịt bò gác bếp, ba chỉ hun khói theo tiêu chuẩn được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh; xây dựng thương hiệu riêng để bán cho khách hàng gần xa, tạo thu nhập cao cho nhiều gia đình.

Món ăn được bày biện đẹp mắt

Các nhà hàng ẩm thực dân tộc Thái cũng là địa chỉ hút khách tại Sơn La. Với mong muốn mang đến cho thực khách sự trải nghiệm trọn vẹn về văn hóa Thái, đa phần các nhà hàng ẩm thực Thái tại Sơn La thường giữ thiết kế nhà sàn truyền thống, không gian mở mang tính kết nối cộng đồng, thực đơn là các món ăn đặc trưng của đồng bào Thái. Trong đó, không thể thiếu các món ăn truyền thống như: Thịt khô, cá nướng, thịt gói lá nướng, gỏi cá, cơm lam, canh bon, canh lá vón vén… Ưu tiên nguyên liệu tươi ngon và sẵn có để tạo nên điểm nhấn cho ẩm thực du lịch tại địa phương.

Xôi ngũ sắc

Anh Là Văn Phong, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel, cho biết: Phục vụ du khách đến trải nghiệm du lịch vùng lòng hồ Quỳnh Nhai, Công ty cung cấp dịch vụ ăn uống trên vịnh Uy Phong, đảo Trái tim, với thực đơn là các món ăn truyền thống của địa phương, được sáng tạo trong cách chế biến nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của đồng bào Thái, đáp ứng khẩu vị của đa dạng khách hàng. Đặc biệt là ẩm thực cá sông Đà được lấy nguyên liệu từ chính sản phẩm thủy sản nuôi trên lòng hồ, đảm bảo tươi ngon, hấp dẫn.

Ẩm thực truyền thống của đồng bào Thái có sự thay đổi theo mùa nào, thức nấy. Nhất là những món ăn từ sản vật của núi rừng như các loại măng đắng, măng ngọt hay các loại hoa gần gũi với đời sống vùng cao như hoa ban, hoa bó píp cùng các loại rau theo mùa vụ. Không ít món ăn có nguyên liệu đơn giản chỉ từ các loại rau hái ở vườn nhà, đồng ruộng, được chế biến thành các món nộm lạ miệng, hấp dẫn. Hay những món canh được nấu theo cách khác nhau để giải nhiệt mùa hè, hay làm ấm bụng mùa đông đều có hương vị độc đáo riêng có.

Cá nướng và những món ăn ngon từ nguyên liệu dân dã

Đặc biệt, không thể không kể đến các loại gia vị phong phú và độc nhất của dân tộc Thái. Và có lẽ, cũng chỉ có đồng bào Thái mới có bí quyết sử dụng mắc khén, tỏi, ớt, những loại gia vị cay nồng, bốc nóng để dung hòa hương vị những món ăn đặc trưng của núi rừng như bát chẳm chéo, hay chế biến từ nguyên liệu giản đơn thành mẳm cá, mẳm hén… bảo quản quanh năm, giúp các bữa ăn thêm đậm đà. Những người phụ nữ Thái không những rất tinh tế trong cách chế biến món ăn mà còn khéo léo và sáng tạo khi bày biện mâm cỗ để lấy lòng mọi thực khách từ ánh nhìn. Tất cả đã tạo nên văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái, hình thành nên một sản phẩm đặc trưng, hút khách cho du lịch Sơn La.

Trang trí mâm cỗ tại lễ hội Hoa ban huyện Vân Hồ năm 2024

Chị Hà Thị Thanh Trâm, du khách thành phố Hồ Chí Minh đến tham dự lễ hội Hoa ban huyện Vân Hồ năm 2024, hào hứng nói: Tôi đặc biệt ấn tượng với không gian văn hóa các dân tộc được tái hiện trong khuôn khổ lễ hội, đặc biệt là phần trưng bày các mâm cỗ truyền thống. Các món ăn được chế biến công phu, trình bày đẹp mắt, hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Tôi thực sự bất ngờ với tài năng và sự khéo léo của đồng bào dân tộc khi chế biến các món ăn.

Ẩm thực dân tộc Thái là sự hình thành từ chính nhu cầu của đời sống thường ngày, từ sự đúc kết, chắt lọc tinh hoa của quá trình lịch sử phát triển lâu dài và được lưu giữ, trao truyền qua các thế hệ. Cùng với sự sáng tạo, bắt nhịp với yêu cầu của cuộc sống mới, ẩm thực dân tộc Thái ngày nay đang trở thành một phần không thể thiếu để níu chân khách du lịch khi đến Sơn La.

Thanh Đào

Báo Sơn La Online – baosonla.org.vn – Đăng ngày 15/4/2024

tuonganh

Share
Published by
tuonganh

Recent Posts

Du lịch Lai Châu: 10 điểm đến đẹp và những đặc sản ngon

Đến Lai Châu là đến với những đỉnh núi đẹp hùng vĩ của đất nước, nơi…

7 tháng ago

Sắp diễn ra lễ hội ẩm thực tại Mường Hoa Sa Pa

Lễ hội diễn ra trong 4 ngày 27/4 - 30/4, tại thung lũng Mường Hoa…

7 tháng ago

Nhiều trải nghiệm không nên bỏ lỡ tại Fansipan dịp 30/4

Fansipan là điểm đến được ưu ái hàng đầu phía Bắc trong 5 ngày nghỉ…

7 tháng ago

Tục kéo vợ – Nét văn hóa cổ truyền của đồng bào Mông vùng Tây Bắc

Tục “kéo vợ” là một phong tục cổ truyền của đồng bào Mông ở vùng…

7 tháng ago

Trekking chụp ảnh cưới trên đỉnh Tà Xùa

Để đánh dấu cột mốc đặc biệt trong đời, Thủy và Đô quyết định trekking…

7 tháng ago

Đèo Thung Khe – cung đường đẹp tựa trời Âu cho bạn thỏa thích sống ảo

Mọi người thường nói để thấy cảnh tuyết rơi ở Việt Nam dường như phải…

7 tháng ago