Hang Táu – “Làng nguyên thủy” nơi Tây Bắc
Cạnh bìa rừng nơi bà con người H’Mông sinh sống có một ngôi làng nhỏ hoang sơ không có đèn điện, không có internet, sóng điện thoại… Hang Táu – Mộc Châu hay còn được biết đến với tên gọi “Làng nguyên thủy”. Vào những ngày cuối tuần lãng du thường tìm đến đây để trải nghiệm cảm giác như thời gian ngừng lại.
Hang Táu nằm trong thung lũng cách trung tâm Mộc Châu gần 20km. Bãi cỏ xanh, những căn nhà gỗ của người H’Mông nằm giữa thung lũng, bốn bề núi non rừng thẳm, tách biệt với khu vực xung quanh. Nơi đây được ví như một ngôi làng nguyên thủy bởi không có điện lưới, không có internet, không có sóng điện thoại.
Hang Táu có gì mà hấp dẫn đến thế?
Những nếp nhà gỗ, nhà sàn kiểu người Mông nằm rải rác sát chân núi, còn quãng giữa là bãi cỏ bằng phẳng, rộng lớn. Giữa thảm cỏ là những cây cổ thụ cùng các khối đá vôi nhấp nhô tạo nên khung cảnh ấn tượng. Tiếng gia cầm, gia súc, tiếng chim hót và vào mỗi cuối tuần còn có thêm tiếng trẻ con chơi đùa,… mọi thứ đều rất nguyên bản, những âm thanh tự nhiên khi hợp cùng với nhau tạo cho người nghe cảm giác bình yên chứ không ồn ào.
Fact:
Thực chất Hang Táu là một khu canh tác, sản xuất nông nghiệp rộng khoảng 1 ha, có 20 hộ dân người H’Mông. Do có khung cảnh hoang sơ, hữu tình nên vài năm gần đây làng được các tín đồ du lịch biết đến.
Cảnh quan thiên nhiên ở thung lũng này mỗi mùa lại mang một vẻ đẹp riêng. Vào mùa xuân, trên đường vào Hang Táu du khách sẽ gặp các triền hoa mận khoe sắc bên các nương ngô. Nhưng vào mùa mưa, đường đến thung lũng sẽ vô cùng gập ghềnh, dễ trơn trượt.
Đến Hang Táu, du khách được trải nghiệm đời sống giản đơn của người H’Mông, có thể tham gia trồng trọt, chăn nuôi, đào măng và học cách thêu váy của người dân. Nếu du khách ở qua đêm sẽ được thưởng thức khoai nướng bên than hồng và lắng nghe tiếng côn trùng kêu râm ran.
Khoảng 2 năm trở lại đây, người dân tộc H’Mông ở Hang Táu đã dần chuyển hướng sang làm du lịch. Tuy nhiên, để giữ gìn những tập tục và nét văn hóa đặc trưng, chính quyền địa phương yêu cầu du khách không được đi xe máy, ô tô vào trong làng. Ngoài ra, thức ăn từ động vật cũng không được đem vào trong khu vực. Du khách có thể mua gà của người dân và nhờ họ chế biến hộ.
Giá vé: 30.000 đồng một người.
Ngoài ra còn có dịch vụ xe ôm đưa/đón khách 150.000 đồng cho hai chiều.