Nhắc đến ẩm thực Tây Bắc, người ta thường nghĩ tới các món ăn nổi tiếng như thịt gác bếp, cơm lam, măng rừng, lợn cắp nách,… Thế nhưng, ở vùng đất này còn xuất hiện một món ăn đặc biệt được ví như đặc sản “trời ban” mà ít người biết tới, đó chính là rêu suối.
Rêu đá là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày hay xuất hiện trong những dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Thái, Tày ở các tỉnh như Sơn La, Yên Bái, Hà Giang,… Ở mỗi nơi, rêu đá lại có hương vị và cách chế biến riêng nhưng vẫn là “thức quà” từ nhiên nhiên không chỉ bà con vùng Tây Bắc yêu thích mà còn “được lòng” cả thực khách gần xa.
Người Tày phân rêu đá làm 3 loại: phổ biến nhất là Quẹ, loại rêu mọc dài ở chỗ nước chảy, sợi cứng cáp màu xanh thẫm. Ngoài ra còn Quẹ Nhão, loại rêu ngắn hơn, sợi mềm mảnh mầu xanh nõn chuối và Quẹ Tàu, loại rêu mềm mịn mọc tại những vùng nước lặng không có đá.
Người thu hái rêu đá phải có kinh nghiệm và kỹ năng nhất định, khi di chuyển qua các tảng đá trơn trượt giữa vùng nước lạnh. Thông thường, họ sẽ hái rêu từ cuối dòng suối ngược trở lên để rêu không bị bám bụi bẩn, đất cát.
Rêu hái về được rũ nhẹ nhàng dưới dòng suối chảy, để loại bỏ cành lá mục, đất cát cùng tạp chất. Tiếp đó sẽ vắt khô nước và bày lên tảng đá mịn ven suối, dùng đá hoặc chày đập cho tơi mềm. Trong cộng đồng người Tày, chỉ có phụ nữ mới thu hái rêu đá.
Đồng bào dân tộc Thái thường truyền miệng câu chuyện về mối tình chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bố của cô gái không ưng thuận. Một hôm, đôi trai gái trèo lên ngọn núi cao, bện tóc vào nhau, thề nguyện suốt đời sống bên nhau. Rồi họ biến thành ngôi sao mai lấp lánh, nước mắt họ chảy thành sông, tóc biến thành rêu đá óng ả trong làn nước.
Đi hái rêu là một nét đẹp văn hóa của người Thái, khi một ngày đẹp trời cả bản nghỉ nương rẫy rủ nhau tới các bãi rêu như đi trảy hội. Rêu đá chế biến nhiều món ăn truyền thống, đặc sắc của đồng bào Thái Tây Bắc, đậm đà trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái được tổ chức trong ngày xuân. Món rêu đá còn mang một ý nghĩa về truyền thuyết của mối tình chung thủy từ ngàn xưa.
Tùy từng loại rêu mà cách chế biến cũng độc đáo khác nhau. Phổ biến và ngon nhất là món Quẹ chí, rêu đá ướp xả, lá chanh rồi bọc kín trong lá chuối nướng trên than hồng, khi ăn chấm với mắm chanh. Rêu đá có mùi thơm riêng biệt, chỉ cần đi ngang qua cũng có thể biết nhà nào đang làm Quẹ chí. Rêu có thể xào cùng với xả, thịt băm. Quẹ nhão hay Tàu thường được nấu canh. Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá là món ăn mát lành giúp lưu thông khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp.
Rêu được chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất, đặc trưng nhất có lẽ vẫn là rêu nướng (hay còn gọi là rêu pho). Rêu được nêm nếm với các loại rau thơm và gia vị rồi gói vào lá chuối hoặc lá dong rồi kẹp tre, nướng trên bếp than hồng.
Khi nướng, không được để rêu quá gần ngọn lửa, tránh để rêu cháy, chảy gia vị ra ngoài hay dính tro bếp. Thỉnh thoảng phải xoay chiều gói rêu để các mặt đều được tiếp xúc đủ lửa, giúp rêu bên trong chín đều. Khi phần vỏ hơi cháy xém là rêu chín, dậy mùi thơm phức. Rêu nướng được dùng để ăn ngay khi nóng hoặc ăn kèm với cá suối nướng, thịt lợn, thịt gà,…
Anh Trần Huy (đến từ Hà Nội) vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức các món ăn chế biến từ rêu suối khi tới du lịch Yên Bái. “Khi chín, rêu không còn giữ được màu xanh lá lạ mắt nhưng ăn rất lạ miệng, có vị thơm ngon.
Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá là một món ăn mát lành giúp lưu thông khí huyết, giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp cũng như nhiều công dụng khác.
Ngày nay khi môi trường tự nhiên có nhiều biến đổi, nguồn nước ở một số nơi ô nhiễm nên rêu đá ngày càng trở nên khan hiếm, những món ăn từ rêu đá chỉ còn trong tiềm thức của người lớn tuổi. Men theo con suối giữa rừng nguyên sinh vào mùa đông, luồn tay vớt vạt rêu đá mát lạnh, hay chầm chậm thưởng thức món rêu nướng thơm lừng bên bếp lửa nhà sàn là một trải nghiệm không thể nào quên đối với du khách.
Lên cao nguyên Mộc Châu thưởng thức rêu đá – món quà của núi rừng, du khách mới thấy được cái thú ẩm thực của người vùng cao, để rồi chỉ một lần ăn mà nhớ mãi hương vị đặc biệt ấy.
Đồng bào Thái có nền văn hóa lâu đời mang đậm bản sắc dân tộc;…
Đến Lai Châu là đến với những đỉnh núi đẹp hùng vĩ của đất nước, nơi…
Lễ hội diễn ra trong 4 ngày 27/4 - 30/4, tại thung lũng Mường Hoa…
Fansipan là điểm đến được ưu ái hàng đầu phía Bắc trong 5 ngày nghỉ…
Tục “kéo vợ” là một phong tục cổ truyền của đồng bào Mông ở vùng…
Để đánh dấu cột mốc đặc biệt trong đời, Thủy và Đô quyết định trekking…