Trải nghiệm 48 giờ tại Hà Giang

Hà Giang là điểm đến vào mỗi dịp mùa xuân khi đủ mọi loại hoa khoe sắc, thiên nhiên trong lành, thích hợp cho những người yêu mùa lạnh.

Hành trình 48 giờ ở Hà Giang theo gợi ý của chị Ngọc Phạm, du khách Hà Nội, đến Hà Giang cuối tuần trước, và anh Vi Hiệp, hướng dẫn viên kiêm tài xế của một công ty du lịch tại Hà Nội chuyên tuyến Hà Giang.

Ngày 1

Buổi sáng và trưa

Khởi hành từ Hà Nội khoảng 6h, ăn sáng trên xe với đồ ăn uống được chuẩn bị sẵn. Đoạn đường từ Hà Nội tới TP Hà Giang 300 km, thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng 30 phút.

Cột mốc Km0 tại trung tâm thành phố Hà Giang. Ảnh: NVCC

Cột mốc Km0 tại trung tâm thành phố Hà Giang. Ảnh: NVCC

Đến thành phố Hà Giang, du khách dừng ăn cơm trưa tại một trong những nhà hàng nổi tiếng tại đây được nhiều người gợi ý – Nhà hàng Km0. “Đồ ngon, dễ ăn với nhiều món như canh chua cá, cá sông nướng lá lốt chấm nước mắm, cải luộc chấm trứng, thịt rang”, chị Ngọc cho hay. Du khách cũng có thể chọn một số nhà hàng khác tại thành phố như Ngói Đỏ, Đức Giang.

Sau khi ăn trưa du khách có thể chụp ảnh check in tại cột mốc Km0 của TP Hà Giang. Đây là điểm giao nhau của QL2, QL34 và QL4C hay còn gọi là điểm bắt đầu của Con đường hạnh phúc đi qua 4 huyện gồm Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.

Buổi chiều và tối

Buổi chiều di chuyển qua các điểm check in khác là Cổng trời Quản Bạ, chụp hình với Núi đôi Cô Tiên, ngắm toàn cảnh thị trấn Tam Sơn từ trên cao. Đây là một loạt các điểm tham quan nằm trên đường đi giữa TP Hà Giang và thị trấn Yên Minh.

Núi đôi Quản Bạ.

Núi đôi Quản Bạ nằm trên đường đến thị trấn Yên Minh.

Tối đến thị trấn Yên Minh, nhận phòng nghỉ đêm tại khách sạn Bằng Thảo. “Khách sạn sạch sẽ, đầy đủ tiện ích thiết yếu. Tại đây có nhà hàng phục vụ cơm và lẩu khá ngon”, chị Ngọc cho hay.

Yên Minh nhỏ, buổi tối vắng vẻ và ít quán xá, không có nhiều hoạt động nên du khách chủ yếu sinh hoạt theo nhóm hoặc uống cà phê và trà tại vài quán nhỏ ở trung tâm thị trấn.

Ngày 2

Buổi sáng và trưa

Du khách khởi hành từ thị trấn Yên Minh, nghỉ chân ở xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn) ăn sáng.

Đoạn đường gần 20 km, thời gian di chuyển khoảng 45 phút. Ở vùng này có khá nhiều món ngon đặc trưng như xôi ngũ sắc, bánh bò, thắng cố, cơm lam. Nếu đến đây vào đúng dịp chợ phiên, du khách nên ăn trong chợ, còn nếu không có thể tìm được các món ăn này rải rác trong thị trấn.

Trước khi đến Phố Cáo, có một địa danh mà du khách không thể bỏ qua đó là dốc Thẩm Mã. Đây là địa điểm mà chụp ảnh từ trên cao xuống thấy rõ cung đường đèo uốn lượn rất đặc biệt, nhất là khi chính du khách vừa trải nghiệm đoạn dốc đó.

Em bé dân tộc bên dốc Thẩm Mã. Ảnh: NVCC

Dốc Thẩm Mã. Ảnh: NVCC

Những người dân tộc bên dốc Thẩm Mã. Ảnh: NVCC

Chặng tiếp theo, di chuyển từ Phố Cáo đến Sủng Là, thăm Làng Văn hoá Lũng Cẩm, nơi có ngôi nhà cổ của người H’Mông đã được sử dụng làm bối cảnh để quay bộ phim “Chuyện của Pao” năm 2006. Tại đây cũng có với vườn hoa cải và tam giác mạch rất đẹp.

“Du khách có thể chuẩn bị ít quà bánh tặng các em bé dân tộc mặc những bộ quần áo nhiều màu sắc đón khách”, chị Ngọc cho hay. Đây cũng là nơi có nhiều cảnh đẹp, hoa cải trắng, cải vàng và cả hoa đào đang nở rực rỡ nên du khách có thể chụp được rất nhiều ảnh.

Di chuyển tiếp theo QL4C hướng về phố cổ Đồng Văn. Đoạn đường khoảng 25 km với thời gian di chuyển chừng một tiếng. Nghỉ ăn trưa tại trung tâm thị trấn.

Thị trấn Đồng Văn tấp nập, nhiều món ăn ngon, nhà hàng lớn, quán cà phê đẹp. Du khách có thể chọn các món như lẩu bò, lẩu gà đen, thắng cố. Các món nhẹ nhàng hơn có bánh cuốn chấm nước dùng từ xương lợn, cháo ấu tẩu. Cà phê Phố Cổ là địa chỉ không nên bỏ qua sau bữa ăn trưa.

Khu trung tâm thị trấn Đồng Văn giữa tháng 1. Ảnh: NVCC

Khu trung tâm thị trấn Đồng Văn giữa tháng 1. Ảnh: NVCC

Buổi chiều

Chinh phục đèo Mã Pì Lèng, cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 45 phút di chuyển. Đây cũng là đoạn đẹp nhất trên Con đường hạnh phúc.

Nhiều người nói chưa ghé Mã Pì Lèng coi như chưa đến Hà Giang. “Thật sự cảnh ở đây rất đẹp và hùng vĩ. Khi đặt chân đến Hà Giang, tận mắt ngắm nhìn, tôi đã hiểu tại sao mọi người nói rằng phải đến nơi này ít nhất một lần trong đời”, chị Ngọc chia sẻ.

Tại khu vực đèo Mã Pì Lèng, du khách có thể chụp ảnh phía trên đỉnh đèo và sau đó đi thuyền trên sông Nho Quế, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của hẻm vực Tu Sản – nơi địa hình bị chia cắt sâu nhất của Việt Nam. Chi phí đi thuyền sông Nho Quế cùng xe điện ra bến thuyền hết 120.000 đồng mỗi người.

Đập trên sông Nho Quế. Ảnh: NVCC

Bến thuyền sông Nho Quế. Ảnh: NVCC

Thuyền đi đến điểm hẻm Tu Sản. Ảnh: NVCC

Lựa chọn thay thế

Du khách có thể ghé thăm thôn Lô Lô Chải và cột cờ Lũng Cú, ngủ đêm tại đây hoặc đến một số điểm khác như thảo nguyên Suôi Thầu (huyện Xín Mần), rừng thông ở Yên Minh (huyện Yên Minh), dinh thự vua Mèo (huyện Đồng Văn trên đường đi).

Tỉnh Hà Giang rộng và nhiều điểm tham quan, đường đồi núi nhiều nên di chuyển khá phức tạp. Chuyến đi với thời gian 48 tiếng thường chỉ dành cho người ít thời gian, sẽ không đủ nếu du khách muốn đến nhiều địa danh hơn. Vì thế, hành trình trên chỉ mang tính khảo. Du khách nên kết hợp với lịch trình trong 48 giờ ở Đồng Văn để có chuyến đi hoàn thiện hơn, không vội vã.

Theo Tâm Anh – VNExpress